Câu chuyện cuộc sống: Đất và cuộc chiến gia đình.

ĐẤT VÀ CUỘC CHIẾN GIA ĐÌNH

Ở những vùng ven gần thành phố, chợ - mảnh đất xưa vốn là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cày cuốc, buôn gánh bán bưng kiếm miếng ăn độ nhật của nhiều thế hệ. Nay bỗng trở nên đắt đỏ, hàng tỷ này hàng tỷ nọ. Ruột thịt lao vào đòi chia phần, người nghèo mong có thể đổi đời, kẻ giàu lại muốn giàu hơn.
Chuyện dai dẳng kiện cáo, bươi móc, kể cả đâm chém nhau để kiếm phần đã thành chủ đề của quán xá và nỗi sợ của hàng xóm, lối xóm. Người ta vui mừng hay hận thù khi được hay mất của, còn tình cốt nhục thì hình như là chuyện của ai ai.
Câu chuyện sau xảy ra tại một thị trấn …
Cứ mỗi khi chạng vạng, người ta lại thấy ông ngồi lặng lẽ trước cửa nhà. Ông tên Hai Dương, ở cái tuổi gần 80, đáng lẽ ông phải được thảnh thơi vui vầy để sống thêm chút ngày cùng con cháu. Điều kiện vật chất hiện giờ cho phép ông được như thế: giàu có, cn đàn cháu đống, hầu hết đều thành đạt. Gia đình ông giàu có tiếng, đất đai, của cải, nhà cửa chẳng thua ai …
Ông nhớ lại chuyện cũ, gần 20 năm trước, mảnh đất gần 2.000m2, chỗ chui ra chui vô và kiếm cơm của các con ông bỗng bị liệt vào diện bị thu hồi vì huyện cho rằng ông bao chiếm đất công. Mảnh đất quá đẹp: nằm ôm cả ngã tư, có hai mặt tiền, chỉ cần dựng lều ở mé đường, bán cà phê cũng đủ sống. Trong quy hoạch, người ta dự định sau khi thu hồi sẽ phân lôm caaso cho một số cán bộ tại địa phương chưa có nhà ở. Uất ức, cả gia đình ông lao vào cuộc chiến giành đất. Vợ chồng ông cùng mười người con, người bỏ của, người bỏ công, ra Bắc vào Nam gần chục chuyến khiếu nại đòi nhà đất. Những căn nhà bị cưỡng chế tháo dỡ rồi được dựng lên nhiều bận, mảnh đất bị cày xới liên tục vì máy ủi của đoàn cưỡng chế. Có lúc, bốn năm người, cả con đẻ lẫn dâu rẻ phải vào trại tạm giữ vì chống lệnh. Cam go thế, nhưng chẳng ai bỏ cuộc, dù giá trị mảnh đất hồi gần hai mươi năm trước có lẽ không lớn hơn nhiều số tiền, công sức gia đình ông đã bỏ ra để đòi lại. Người vợ ông không chờ được ngày minh oan, bà đã mất trong cơn bạo bệnh ở đoạn cuối hành trình đòi đất. Dai dẳng hơn chục năm, qua ba nhiệm kỳ của chủ tịch huyện, nỗi oan của gia đình ông mới được giải.
Đất lại về với gia đình ông, theo thời gian, nay nó đã có giá hàng chục tỷ đồng. Xung quanh, dự án, nhà cửa mọc lên chật cứng. Nhiều người biết chuyện đến mừng cho ông đã tai qua nạn khỏi, nhưng ai ngờ, một tai họa khác lại ập đến, sau niềm vui được trả đất không xa mấy …
Khoảng hai năm trước, khi mảnh đất chính thức trở về, ông dự tính chia đều cho các con, mỗi người một lô. Những người góp nhiều công của, ông sẽ chô lô ở mặt tiền lớn, phần mình ông vẫn cứ ở căn nhà cũ trong hẻm sâu. Ông mang dự tính của mình bàn với hai người con trai lớn, lập tức tất cả đều phản đối. Lấy lý do họ là những người tích cực nhất khi theo kiện, tốn rất nhiều tiền bạc, nên hai người con đòi mình phải được quyền chia mảnh đất đó, chứ không phải người cha. Họ đi kể với người dưng về những khoản chi phí dài sọc của mươi năm trước. Sự thật, những ai hiểu chuyện của nhà ông Hai đều biết hai người con lớn đã góp nhiều công của, là chủ lực của hành trình kiện đòi đất. Chuyện tiền rồi cũng đến tai người cham ông tuyên bố, đã thanh toán đủ cho từng người ngay sau khi đòi được lại mảnh đất. Tranh cãi căng thẳng nổ ra giữa cha con.
Mâu thuẫn bắt đầu trầm trọng khi ai đó trong nhà đã ác miệng tung lời đồn đãi: bố chồng ngủ với nàng dâu. Thực hư không biết nhưng lời đồn như một quả bom nổ giữa mặt người cha, ông già Hai loạng choạng. Kể từ đó, ông gần như ở tịt trong nhà, chẳng mấy khi chường mặt ra ngoài vì nhục và uất. Dự tính về thăm quê gốc lần cuối ở ngoài Bắc, ông Hai cũng bỏ luôn vì lời đồn đã vang tới tận nơi ông chôn nhau cắt rốn.
Nhưng việc phân chia mảnh đất, ông quyết làm cho xong. Không bàn tính, ông gọi mấy người con thứ lên cắm đất cọc, phân lô. Sự phân chia cũng khác với dự tính ban đầu, những người con có công đòi đất, vì ghét, ông chia cho phần đất trong cùng – xấu nhất, những người con còn lại, được phần mặt tiền, sổ đỏ ông gửi chính quyền tách thửa, đất ai tên người nấy đứng. Hai người anh lớn hay chuyện, chạy lên cản nhưng không có kết quả. Từ đó, nhà ông Hai bỗng chia làm hai phe “không đội trời chung”, nôm na, phe được lợi (theo ông Hai) và phe bất lợi.
Thêm một “chiến sự” nổ ra giữa những người cùng một mẹ khi một người em được chia đất mặt tiền nhanh chóng cất nhà lầu vì thấy ông già đã cao tuổi, sợ có bề gì. Ngay hôm cúng động thổ, khai móng, người anh đầu chạy lên mảnh đất và lao vào ngăn chặn. Điều không hay đã đến: xô xát giữa con của người này và bác ruột xảy ra. Không cách nào cản được ngôi nhà đang mọc lên từng ngày, người anh làm đơn tố cáo lên ngay cơ quan người em làm việc vì cho rằng chính người này đã ra lệnh cho con mình ném bác ruột ra đường. Nỗi xấu hổ loang rộng thêm khi người em vừa phải thanh minh trong nội bộ, vừa phải thanh minh với làng xóm rằng không có chuyện “cháu quẳng bác ra đường” mà chỉ “bế ra khỏi lô đất”.
Mọi chuyện chưa dừng lại, sau hàng loạt biện pháp để giành được quyền chia mảnh đất nhưng không hiệu quả, hai người con lớn đã phát đơn kiện cha mình khắp nơi, trong đó có tòa án. Hiện đang chờ các cơ quan chức năng trả lời, nhiều khả năng họ phải gặp nhau ở tòa án. Máu mủ ruột rà phải nhờ những điều luật lạnh lùng phán xét.
Ít hôm trước, người con đầu gả chồng con gái lớn, đám cưới rình rang nhưng ông nội và nhiều cô chú của cô dâu không có mặt. Đám tiệc dư gần ba chục bàn. Những người biết chuyện nhà ông Hai thì thở dài “ổng có mời ông Hai đâu!”. Nhiều người không tới dự đám vì chẳng thấy vui sau khi chứng kiến bao chuyện bươi móc từ gia đình đó. Ông Quý, một người láng giềng thân tình của ông Hai chua xót: “Nay ai cũng nhà lầu, xe hơi, đất đai không thiếu, nào có nghèo đói gì. Chẳng qua là tại lòng tham. Nếu ngày trước, mảnh đất bị thu hồi luôn, gia đình họ sẽ chẳng mất nhiều như bây giờ.”

Nghĩ cũng đúng, giàu nghèo gì cũng có cái khổ riêng cả! Ai hơn gì ai.

Bài đăng phổ biến