Tản mạn về "Nhà giả kim"

Liberdade - SỰ TỰ DO

Đó là từ theo tiếng Bồ Đào Nha duy nhất và đầu tiên mình biết được, qua cuốn Oxford thương yêu của Dương Thụy. 
  
Vì tò mò nhan sắc của nàng Fatima xinh đẹp của Nhà giả kim, mà mình muốn đọc được cuốn sách này. Nhà giả kim được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, được dịch ra 56 ngôn ngữ và bán được ở hơn 150 quốc gia, hơn thế nữa, đây là cuốn sách đầu tiên mà mình được người yêu tặng, nên quý lắm!


Mất hơn 4 tháng dài đằng đẵng để đọc hết Nhà giả kim, vì cái hồn của sách quá cuốn hút người đọc và cũng vì ý nghĩa ở từng chương khiến bản thân mình cần phải thấm rồi mới DÁM đọc tiếp được.
Truyện đọc không mang tính giải trí, được khuyến khích không đọc khi mà người đọc chưa sẵn sàng suy nghĩ từng câu từng chữ, từng triết lý sống mà tác giả đưa ra hoặc khi quá bận rộn, gấp gáp. Nếu nói đúng thì, với người chưa định hướng rõ ràng về cuộc sống như mình thì đọc sẽ thú vị và ý nghĩa hơn, ý nghĩa ở những bài học mình tự rút ra được:

1. Bài học đầu tiên: Sự sợ hãi và Sự dũng cảm
Như những cậu bé con nhà nông khác, Santiago (tên cậu bé nhân vật chính mà đến cuối truyện mình mới biết) được cha mẹ mong đợi sẽ vào trường dòng và trở thành linh mục như những đứa trẻ khác, nhưng với San, cậu muốn được đi ngao du và ngắm nhìn thế giới. Cha cậu nói rằng, chỉ những người chăn cừu mới đi nơi này nơi khác thôi, và bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực, cậu xin cha mình đi chăn cừu.
"Chỉ khi nào có khả năng thực hiện được giấc mơ thì cuộc sống mới đáng sống"

2. Bài học thứ hai: Cha Mẹ là bạn, là người hướng dẫn con
Không ngăn cấm.
Không quát nạt.
Không cản trở.
Không thất vọng. Ngược lại còn động viên và sẵn sàng hỗ trợ San trên con đường chọn làm cậu bé chăn cừu để thỏa mãn ước mơ được đi đây đó của mình.
Vào thế kỷ xa xưa đó, mà Cha của San đã có cái nhìn nhận như vậy, thì phải nói rằng nền giáo dục của họ đã có từ rất sớm và đã chứng minh được nhân quyền cũng như sự tôn trọng quyết định của con cái ra sao rồi. Giả sử ở Việt Nam, mà đứa con nói với người cha rằng không muốn vào trường dòng, muốn đi chăng cừu, thử hỏi, có chuyện gì sẽ xảy ra?

3. Bài học thứ ba: Hãy lắng nghe tiếng gọi từ trái tim!
Tất cả những gì San làm, đều xuất phát từ một giấc mơ, mà sau này khi đã hiểu được trái tim mình muốn gì, cậu mới biết những việc mình làm xuất phát từ trái tim. Trái tim là một phần cơ thể, nhưng nó cũng là thể sống, nếu tách bạch nó ra thì thể xác và tinh thần sẽ không hòa chung tiếng nói với nhau được.
Có lẽ, bài học quan trọng trong những ngày lưu lạc trên sa mạc cùng người thầy giả kim thuật của cậu bé chăn cừu chính là bài học kiên tâm lắng nghe trái tim chính mình. Những câu văn đậm chất lãng mạn mà cũng giản dị và gây suy nghĩ.
-       Tại sao ta phải lắng nghe trái tim mình nhỉ?” Cậu hỏi khi hai người dừng lại nghỉ đêm
-       Bởi vì trái tim cậu ở đâu thì kho báu cậu tìm cũng ở đó”.
-       Nhưng mà tim cháu rạo rực. Nó mơ, nó xúc động và nó say mê một cô gái sa mạc. Nó đòi hỏi cháu đủ chuyện, khiến nhiều đêm cháu không ngủ được khi nghĩ đến nàng.
-       Tốt lắm. Như thế là tim cậu đang sống hết mình. Hãy lắng nghe những gì nó nói.
-       Hãy trầm tư suy nghĩ, rồi sa mạc sẽ chỉ cho cậu hiểu thế giới. Nói cho đúng thì mọi thứ trên mặt đất đều chỉ cho cậu được. Cậu không cần phải hiểu hết mọi điều về sa mạc mà chỉ cần nghiền ngẫm về một hạt cát thôi, và cậu sẽ thấy trong đó mọi sự mầu nhiệm của công trình tạo hóa.
-       Làm thế nào để cháy có thể thâm nhập vào thế giới của sa mạc?
-       Hãy lắng nghe trái tim mình. Nó biết hết mọi điều vì nó từ tâm linh vũ trụ mà ra và một ngày kia sẽ trở về đó.

4. Bài học thứ tư: Hãy suy nghĩ tích cực nhưng đừng chủ quan tin người.
Xuyên suốt những chương đầu của cuốn truyện, cậu bé chăn cừu liên tục gặp những người đoán mộng, giải mộng, điềm, dấu hiệu … và mỗi khi gặp một người giải mộng như vậy cho cậu, họ đều đòi thù lao là một phần cừu hoặc kho báu mà cậu có được. Có thể nói rằng San tin người, nhưng cũng có thể nói rằng San tin vào sự phán đoán của mình hơn.

“Ông già ậm ừ rồi săm soi nhìn quyển sách như thể nó là một vật lạ.
-       Quyển này tuy là một tác phẩm lớn nhưng rất nhàm chán - Cậu chăn cừu sửng sốt. Không những ông già biết chữ mà còn đã đọc quyển sách đó rồi nữa. Nếu đúng là nhàm chán như ông già nói thì còn kịp để đổi lấy quyển khác.
-       Nó cũng nói về cùng một vấn đề như mọi quyển sách khác mà thôi - ông già nói tiếp.
-       Rằng con người không có khả năng lựa chọn lấy vận mệnh của mình. Và kết thúc rằng ai cũng tin vào cái điều bịp bợm nhất thế gian.
-       Điều bịp bợm ấy là gì? - Cậu chăn cừu ngơ ngác hỏi.
-       Đó là: vào một lúc nhất định trong đời, chúng ta không làm chủ được vận mệnh của mình nữa và rồi đời mình sẽ do định mệnh đưa đẩy. Đó chính là điều dối trá nhất thế gian!

… bởi sự thật vĩ đại trên hành tinh này chính là: bất kể anh là ai, anh làm gì, khi anh thật tâm mong muốn điều gì thì điều mong muốn đó sẽ được hình thành trong cõi Tâm linh vũ trụ. Đó sẽ là nhiệm vụ của anh trên trái đất.”

Luôn luôn suy nghĩ tích cực về mọi thứ, hoặc nếu được thì nên KISS (Keep It Short and Simple)
Đối với San, cậu luôn có cái nhìn lạc quan với mọi thứ, với thế giới bên ngoài cậu luôn suy nghĩ và cảm nhận theo cách mà những con cừu đã dạy cậu. Ngay cả khi trên sa mạc, cậu đơn giản hóa ý nghĩa những cuốn sách của anh chàng người Anh đi chung bằng suy nghĩ sau khi đọc chung khiến anh chàng kia ngay lập tức xuất hiện suy nghĩ: “chắc mình đã chia sẻ sách cho sai người.”
Cậu chỉ giỏi đơn giản hóa tất cả”, chàng người Anh bực mình đáp. … Nghe thế cậu liền liên tưởng đến người chủ cửa hàng pha lê. Ông ta thấy rằng rất nên lau chùi các bình trong cửa hàng vì như thế cả ông lẫn cậu đều gột rửa được mọi tạp niệm. Bây giờ thì cậu tin chắc rằng cũng có thể học được thuật luyện kim đan trong cuộc sống hàng ngày.

5. Bài học thứ năm: Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình!
“Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình” và đừng sợ đau khổ khi thực hiện ước mơ, vì “mỗi giây phút tìm kiếm là một khoảnh khắc gặp gỡ Thượng đế và Vĩnh hằng” và vì “khi đã quyết tam muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp ta đạt được mục đích!”

Cuộc sống đơn giản của San quanh năm chỉ biết đến lũ cừu, cậu sống với chúng đủ lâu để hiểu rõ từng con nhưng đôi khi cũng khiến cậu trăn trở về một cuộc đời nhàm chán và liệu rằng mình có thể làm nên điều vĩ đại gì? Cậu sống với cừu đủ lâu để biết được ở khu nào có một loại cỏ mọc thì có nước, có một loài chim nếu xuất hiện thì sẽ có rắn. Cái ước mơ đi khắp đó đây của cậu được dẫn dắt để khiến người đọc cảm nhận được một phần của mình trong đó.
{Hay mình từ bỏ hết để đi chăn bò nhỉ? =))}


6. Bài học thứ sáu: Cả vũ trụ sẽ ủng hộ nếu mình quyết tâm làm một điều gì đó.
Maktup.
Đó là từ xuất hiện nhiều nhất trong chương mà cậu bé chăn cừu quyết định ở lại làm việc tại tiệm pha lê. Khi San được ông vua xứ Salem cho 2 viên đá Unim và Thummim – đá thạch anh một đen một trắng – như là để giúp bói kiểu sấp ngửa mỗi khi cần ra quyết định. Ông đã chỉ cho cậu thấy ai cũng cần có một giấc mơ, một quyết tâm đạt cho kỳ được một điều gì đó ở đời.
Có giai đoạn, cậu bé chăn cừu đã có suy nghĩ từ bỏ việc sẽ đi đến Kim Tự Tháp ở Ai Cập và sẽ quay về nước mình, tậu một đàn cừu và lấy vợ, nhưng nhờ ông chủ cửa hàng pha lê, cậu lại thay đổi ý định và tiếp tục lên đường tìm đến Ai Cập, tìm kho báu của trong giấc mơ của mình.
“Khi anh quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy” – Paolo Coelho.

7. Bài học thứ bảy: Hạnh phúc ở ngay quanh ta
Mục đích chính của cậu bé chăn cừu khi từ bỏ đàn cừu của mình là để tìm kho báu dưới chân Kim Tự Tháp mà cậu được dẫn dắt trong giấc mơ. Nhưng kết luận về kho báu thực sự, hạnh phúc tuyệt vời luôn chờ đợi người ta ở quê nhà, ở ngay trong tầm tay - ngay dưới gốc dâu mà cậu thường ngày ngủ với bầy cừu.
Từng bước, từng bước, dưới sự dẫn dắt của một ông vua rồi một nhà giả kim có bóng dáng của một vị thần, San đã học được cách cảm nhận vạn vật bằng trái tim, học được tiếng nói của vũ trụ. Và rồi đến ngày vũ trụ chung sức để anh đạt được giấc mơ. Kho báu thực sự nằm ở ngay nơi San thường nghỉ ngơi cũng lũ cừu mỗi ngày. Nhưng nếu không dám tin vào giấc mơ, không vượt mọi hiểm nguy để đến Kim tự tháp thì cậu sẽ không bao giờ biết được. Bù lại, cậu đã học được rất nhiều từ sa mạc, được ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ của Kim Tự Tháp và được cả tình yêu của cô gái sa mạc nữa.
Thật nhiều từ một giấc mơ, một khi đã quyết tâm thực hiện nó.

8. Bài học thứ tám: Yêu là thực sự sẻ chia, thực sự hy sinh vì tương lai của người mình yêu.
“Đã yêu thì không cần lý do. Khi yêu thì tất cả lại càng có thêm ý nghĩa.” Trích trong truyện Nhà giả kim.
Cậu lại gần cô gái. Cô lại cười. Cậu cũng cười.
-          Cô tên gì? – Cậu hỏi.
-          Em tên là Fatima – Cô đáp và ngượng ngùng nhìn xuống đất.
-          Ở đất nước tôi cũng có một số các bà, các cô mang tên giống cô vậy.
-          Đó là tên con gái Đức Tiên Tri – Fatima đáp.
-          Các chiến binh của đất nước em đã đem cái tên này đến nước anh đấy. – Người con gái nhỏ nhắn nói về các chiến binh với vẻ tự hào.
Người phụ nữ sa mạc tự hào về những người đàn ông của họ, họ đặt niềm tin, hy vọng và mong ngóng vào những người trai của bộ lạc.
“Các chiến binh đi tìm kiếm kho tàng đem về đây, và phụ nữ sa mạc chúng em tự hào về các chiến binh của mình” cô gái nói.
“Anh đã kể về giấc mộng của anh, về nhà vua già và về kho báu. Anh cũng đã kể về điềm, về dấu hiệu. Thành ra em không còn thấy lo ân gì nữa, vì chính những điềm ấy, những dấu hiệu ấy đã đưa anh đến đây. Còn em là một phần giấc mộng của anh, một phần của vận mệnh anh – theo cách anh gọi. Vì thế mà em muốn anh tiếp tục đi tìm kho báu của mình. Nếu anh phải đợi đến khi hết đánh nhau thì cũng tốt, nhưng nếu không thể đợi được thì anh cứ đi, để làm tròn sứ mệnh tiền định của mình. Các đồi cát thay đổi theo gió nhưng sa mạc không thay đổi bao giờ. Tình yêu của hai chúng ta cũng sẽ như thế. Nếu em là một phần của vận mệnh anh thì sẽ có một ngày anh trở về thôi.”
“Sa mạc đem đàn ông của chúng em đi nhưng không phải lúc nào cũng đưa họ trở về. Chúng em đành chấp nhận. Nhưng họ vẫn tiếp tục sống trong những áng mây không đem lại mưa, trong những con vật náu mình giữa các tảng đá và trong làn nước tuôn đầy từ các giếng. Họ trở thành bộ phận của toàn thể, họ nhập vào tâm linh vũ trụ.
Cũng có một số trở về được; điều này đem lại niềm vui và thêm hi vọng cho những người đàn bà đang mong mỏi rằng một ngày kia chồng con họ cũng sẽ trở về. Trước đây em ganh tị với những người đàn bà này, nhưng giờ đây em cũng có một người để mà chờ đợi. Em là một cô gái sa mạc và rất tự hào về điều này. Chồng em cần phải đi lại tự do như làn gió làm biến dạng các đồi cát. Và em cũng mong được thấy chồng em nhập vào trong những áng mây, trong những con thú và trong làn nước giếng”.
Người con gái yêu anh, người đó sẽ sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì họ biết, và với mong muốn có thể thấu hiểu cảm thông, họ sẽ sẵn sàng trở thành một người trông mong anh hoàn thành ước mơ của mình. Khi yêu người ta có thể tạo dựng nên tất cả.


9. Bài học thứ chín: Hãy hành động.
“Chỉ có một cách học thôi – Đó là thông qua hành động”
Anh chàng người Anh trong cuốn sách mòn mắt đọc sách hàng năm trời, nhưng chưa bao giờ thử tự tự mình làm cho chì thành vàng. Sauk hi gặp được nhà giả kim thực sự, anh được lời khuyên “Hãy thử đi”. Đó vừa là gợi ý, vừa lời hướng dẫn tốt nhất cho anh chàng người Anh này.
Nhớ lại, lần đầu tiên mình dám đăng ký thi các cuộc thi, lúc đó cũng ngại ngùng lắm. Sợ mình không thuyết trình tốt, ngại giao tiếp với người nước ngoài, ngại giao tiếp với những thầy cô giáo có trình độ này nọ, nhưng rồi, vì số tiền thưởng (vài triệu hoặc vài chục triệu) lúc đó cũng đánh liều thi thử, riết rồi sau này đi thi chai mặt luôn!


10. Bài học thứ mười: Cảm nhận và tin vào trực giác của mình.
Cảm nhận bằng trực giác nghĩa là tâm linh mình bất chợt chìm ngập trong dòng chảy của toàn vũ trụ, nơi cuộc đời con người đều liên kết thành một chỗi, nơi mọi chuyện đều tỏ rõ vì tất cả dường như là có “điềm”, đã được viết sẵn từ trước rồi.

11. Bài học thứ mười một: Học cách kiếm tiền và sử dụng tiền
San sau khi bị lừa sạch tiền, cậu đã xin ông chủ cửa hàng pha lê cho ở lại làm việc, và bằng sự chủ động cũng như siêng năng của mình, San có thể kiếm được số tiền giúp cậu có thể mua được hơn 100 con cừu.
“Tiền của cậu cho chúng ta sống thêm ba ngày nữa. Không phải lúc nào tiền cũng cứu được mạng người đâu”. “Thế là quá nhiều so với những gì tôi đã làm – Thầy chớ nói thế nữa, kẻo Đời nghe thấy thì lần tới thầy sẽ được ít hơn đấy.”
Đoạn hội thoại của cậu bé chăn cừu với nhà luyện kim khi bị bắt và khi gặp vị thầy tu trong nhà thờ. Tiền rất quan trọng, nhưng cách sử dụng tiền còn quan trọng hơn thế nữa.

12. Bài học thứ mười hai: Nhận thức được vai trò của mình.
Bất kể bạn là ai, người chăn cừu hay thương gia lái buôn giàu có, đều có một vai trò nhất định ở một thời điểm nào đó, có điều, người ta không biết thôi. Những ai biết mình đang ở đâu, đang làm gì, chắc chắn sẽ sớm có ngày thành công.
Những câu nói ý nghĩa (với mình):
1.    Sự sống lôi cuốn sự sống
2.    Nếu cậu hứa trả bằng cái mà mình chưa sở hữu thì rồi có lúc bạn sẽ mất đi ý chí để đạt được nó.
3.    When we love, we always strive to become better then we are. When we strive to become better than we are, everything around us becomes better too.
4.    Don’t waste your time with explanations. People only hear what they want to hear.

Kết thúc câu chuyện mở ra sự bất ngờ đầy sâu sắc, chưa bao giờ mình đọc một tác phẩm mà hiểu được sức mạnh kỳ diệu của ẩn dụ trong một tác phẩm văn học. Mình trộm nghĩ, trong cả cuộc đời, người ta sống, làm việc, học tập và phấn đấu nhưng chưa chắc hiểu được điều mình đang tìm kiếm là gì.
Cuối cùng, khi đạt được tất cả những gì mọi người thường mơ ước (như tiền bạc hay danh vọng) thì họ mới nhận ra rằng những điều mình tìm kiếm và mong đạt được thực sự đã ở trong tầm tay của mình lâu lắm rồi. Cái hay của truyện là ở đó, điểm khởi đầu chính là kết thúc, cuộc đời người là một vòng tròn luân hồi, những gì người ta tìm kiếm cũng thế.
Hãy ước mơ, tin tưởng và quyết tâm. Cả vũ trụ sẽ hợp sức với bạn.

Bài đăng phổ biến