Nỗi sợ hãi cơ bản thứ hai: SỢ BỊ CHỈ TRÍCH
Tại sao con người lại
có nỗi sợ này, không ai biết! Nhưng có điều chắc chắn là nỗi sợ này rất phát
triển trong mỗi cá nhân.
Tôi luôn cho rằng nỗi
sợ hãi cơ bản này là một phần trong bản chất tự nhiên của con người, nỗi sợ hãi
này làm ta không những tìm mọi cách tước đoạt của cải hay tài sản của đồng loại
mà còn biện minh cho hành động của mình bằng cách chỉ trích tính cách của họ.
Có một thực tế ai cũng biết, rằng kẻ trộm thường chỉ trích người mà hắn ăn
trộm, các chính trị gia mưu cầu chức vị không phải bằng năng lực và phẩm cách
của mình, mà bằng cách gièm pha công kích các đối thủ của họ.
Các nhà thiết kế thời
trang và sản xuất quần áo đã nhanh chóng lợi dụng nỗi sợ hãi căn bản này. Kiểu
dáng của mỗi mùa luôn thay đổi. Vậy, ai tạo ra những kiểu dáng đó? Dĩ nhiên
không phải là người mua, mà là các nhà sản xuất và thiết kế. Tại sao họ lại
thường thay đổi như vậy? Câu trả lời thật hiển nhiên: để bán được nhiều hơn.
Nỗi sợ bị chỉ trích
cướp mất sự sáng tạo của con người, hủy hoại óc tưởng tượng, hạn chế cá tính,
làm mất dần tính tự lực, và gây ra hàng tram kiểu thiệt hại khác nữa. Các bậc
cha mẹ thường gây cho con cái những tổn thương không thể bù đắp được qua những
lời chỉ trích mắng mỏ. Mẹ của một người bạn cùng phòng thời niên thiếu của tôi
thường phạt roi cậu ấy mỗi ngày và luôn kết thúc bằng câu: “Rồi mày sẽ phải vào trại cải tạo trước tuổi hai mươi thôi con ạ!”.
Kết cục là cậu ấy bị vào trại cải huấn thật, vào năm mười bảy tuổi.
Mỗi người đều có cả
kho những lời chỉ trích và sẵn sàng biếu không cho bất cứ ai dù người bị chỉ
trích có yêu cầu hay không. Những người thân nhất với bạn lại thường là những
người có lỗi lớn nhất. Chỉ trích phải được xem là một tội ác (trên thực tế nó
là tội ác xấu xa nhất) đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào cố tình tạo ra mặc cảm tự
ti trong đầu óc con cái mình bằng những lời chỉ trích không cần thiết. Những
ông chủ hiểu rõ bản chất con người thường nhận được những kết quả tốt nhất nhờ
biết cách góp ý xây dựng thay vì chỉ trích nhân viên. Các bậc cha mẹ cũng có
thể nhận được kết quả đó từ con cái mình. Hãy nhớ, chỉ trích chỉ gieo nỗi sợ
hãi hay oán hận vào trái tim con người mà không mang lại thiện cảm hay tình yêu
thương.
Các dấu hiệu của nỗi
sợ bị chỉ trích
Nỗi sợ này cũng phổ
biến như nỗi sợ nghèo khó và tác động tiêu cực của nó tới sự thành công của mỗi
cá nhân cũng mạnh không kém gì nỗi sợ nghèo khó, chủ yếu là do nỗi sợ này hủy
diệt sức sáng tạo và làm thui chột khả năng tận dụng óc tưởng tượng. Những dấu
hiệu chính là:
E dè: Thường biểu hiện qua
sự căng thẳng, rụt rè nhút nhát trong các cuộc đối thoại hay hội họp với người
lạ, cử chỉ vụng về, mắt chớp liên hồi.
Thiếu tự tin: Lạc giọng, căng thẳng trước sự hiện diện của người khác, bộ dạng
khúm núm, trí nhớ kém.
Thiếu cá tính: Thiếu quyết đoán, thiếu sức lôi cuốn và khả năng diễn đạt ý kiến
một cách rành mạch. Có thói quen né tránh vấn đề thay vì quyết tâm đối mặt với
vấn đề. Dễ dàng thuận theo ý kiến người khác mà không cần xem xét cẩn thận.
Mặc cảm tự ti: Có thói quen tự chấp thuận và tự bằng lòng như một phương cách
để che giấu cảm giác tự ti. Thích dùng những từ ngữ “đao to búa lớn” để gây ấn
tượng với người khác (và thường không hiểu được nghĩa thực sự của từ mình nói).
Hay bắt chước cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói và phong cách của người khác. Thích
khoe khang những thành tích tự tưởng tượng ra, thích tỏ ra rằng mình hơn người
để che giấu mặc cảm tự ti.
Thích chơi ngông: Có thói quen cố tỏ ra “bằng chị bằng em”, tiêu xài quá khả năng
thu nhập.
Thiếu sáng kiến: Thường thất bại trong việc nắm bắt các cơ hội để tự thăng tiến,
sợ thể hiện chính kiến, thiếu tự tin vào lập trường của mình, hay có những câu
trả lời thoái thác trước những câu hỏi của cấp trên, luôn do dự trong cử chỉ và
lời nói, thậm chí gian dối trong cả ngôn từ cũng như hành vi.
Không có tham vọng: Tinh thần và thể xác bạc nhược, không dám tự khẳng định mình,
chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định, dễ bị tác động, có thói quen chấp
nhận thất bại mà không phản kháng, thường rút lui khi vấp phải sự chỉ trích. Có
thói quen nói xấu sau lưng và xu nịnh trước mặt người khác, nghi ngờ người khác
mà không có lý do, thiếu tế nhị trong lời nói và hành động, không có thành ý
chấp nhận những lời phê bình về lỗi lầm do mình gây ra.