Nỗi sợ hãi cơ bản thứ sáu: SỢ CÁI CHẾT

Với nhiều người, đây là nỗi sợ hãi ác nghiệt nhất trong tất cả các nỗi sợ hãi. Nguyên nhân thật rõ ràng. Những đau đớn khủng khiếp của nỗi sợ hãi gắn liền với ý nghĩ về cái chết, trong đa số các trường hợp, có thể xuất phát từ tâm lý cuồng tín tôn giáo. Những người được coi là “thiếu văn minh” lại ít sợ chết hơn so với những người được xem là “văn minh”. Hàng trăm triệu năm qua, con người vẫn không ngừng hỏi những câu hỏi vẫn chưa có lời đáp, “tôi từ đâu đến?” và “tôi sẽ đi về đâu?”.

Trong các thời kỳ u mê tăm tối của quá khứ, không ít những kẻ khôn ranh và gian trá đã không chậm trễ đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi trên vói một cái giá.
“Hãy bước vào lều của ta, tin vào giáo lý của ta chấp nhận những tín điều của ta, ta bảo đảm anh sẽ được một chỗ trên thiên đường sau khi chết”, một lãnh tụ tôn giáo đã nói thế. Ông ta tiếp tục “Cứ đứng bên ngoài đi, rồi quỷ sẽ bắt anh đi và vĩnh viễn thiêu đốt anh dưới địa ngục”.
Ý nghĩ về sự trừng phạt vĩnh viễn nơi địa ngục hủy hoại mọi thú vui trong cuộc sống và làm hạnh phúc trở nên hão huyền.
Mặc dù không có gì chứng minh các lãnh tụ tôn giáo có khả năng dẫn ai đó lên thiên đàng hay xuống địa ngục, nhưng cái khả năng bị đẩy xuống địa ngục dường như vẫn khủng khiếp tới mức chỉ thoáng nghĩ về nó thôi cũng đủ khiến người ta có những liên tưởng như thể điều khủng khiếp đó đang diễn ra thật. Cảm giác tâm lý đó làm tê liệt lý trí và tạo ra nỗi sợ hãi về cái chết.

Ngày nay, nỗi sợ chết không phổ biến như trong thời kỳ xã hội không có các trường cao đẳng và đại học. Các nhà khoa học đã soi rọi ánh sáng chân lý lên khắp thế giới và chân lý nhanh chóng giải thoát con người khỏi nỗi sợ cái chết. Những người trẻ tuổi được học tập trong các các trường cao đẳng và đại học không còn cảm thấy kinh sợ khi nhìn thấy lửa và lưu huỳnh. Nhờ sự tiến bộ của khoa học, những nỗi sợ hãi từng ám ảnh tam trí con người trong thời kỳ mông muội đã bị xua tan.
Toàn bộ thế giới này được tạo thành bởi bốn yếu tố: thời gian, không gian, năng lượng và vật chất. Vật lý cơ bản cho chúng ta biết rằng cả vật chất lẫn năng lượng (hai yếu tố duy nhất con người có thể biết) đều không thể được tao ra hya bị hủy diệt. Chúng có thể được chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác nhưng không mất đi.
Cuộc sống là năng lượng, nếu không muốn nói là tất cả mọi thứ cũng được tạo thành từ năng lượng. Nếu năng lượng và vật chất đều không thể bị hủy diệt, thì cuộc sống con người cũng vậy. Cuộc sống, một dạng khác của năng lượng có thể bị chuyển hóa hoặc thay đổi qua nhiều quy trình khác nhau, nhưng không thể bị hủy hoại. Vì thế, chết cũng là một sự chuyển hóa.
Và nếu cái chết không phải là một sự thay đổi, hay chuyển hóa thuần túy thì không có gì xảy ra sau cái chết ngoài việc đó là một giấc ngủ bình yên và bất tận, một giấc ngủ chẳng có gì đáng sợ cả. Nếu như bạn có thể chấp nhận logic này, bạn đã vĩnh viễn xóa bỏ nỗi sợ hãi về cái chết trong tâm trí mình.

Các dấu hiệu của nỗi sợ cái chết
Các dấu hiệu thường thấy của nỗi sợ này là:
Thói quen nghĩ về chuyện chết chóc thay vì tận hưởng tối đa những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống. Lý do nói chung là do sống không mục đích, không có nghề nghiệp phù hợp. Nỗi sợ này thường bắt gặp ở những người có tuổi nhưng thỉnh thoảng những người trẻ tuổi cũng là nạn nhân của nó. Phương thuốc hiệu nghiệm nhất chữa nỗi sợ này là khát vọng cháy bỏng vươn tới thành công cộng them với sự giúp đỡ hữu ích của những người xung quanh. Những người bận rộn hiếm khi có thời gian để nghĩ đến cái chết bởi họ luôn thấy cuộc sống quá sống động và thú vị.
Đôi khi nỗi sơ cái chết liên hệ mật thiết với nỗi sợ nghèo đói, bởi cái chết của một người có thể làm cho những người thân thiết còn lại rơi vào cảnh cơ hàn.
Trong các trường hợp khác, nỗi sợ cái chết thường xuất phát từ bệnh tật và sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể.

Nguyên nhân phổ biến nhất của nỗi sợ cái chết là sức khỏe kém, nghèo đói, không có nghề nghiệp phù hợp, thất tình, bệnh tâm thần và cuồng tín trong tôn giáo.

Bài đăng phổ biến