Thảm họa của sự lo lắng và suy nghĩ tiêu cực
Lo lắng là một trạng
thái tinh thần có cơ sở từ nỗi sợ hãi.
Nó tiến triển chậm nhưng âm ỉ. Nó xảo
quyệt và tinh vi. Nó từng bước tự giấy mình cho tới khi làm tê liệt khả năng
suy luận, hủy hoại sự tự tin và óc sáng tạo của bạn. Lo lắng là một hình thức
của nỗi sợ hãi được duy trì liên tục gây ra bởi sự thiếu quyết đoán. Do đó, nó
là một trạng thái tinh thần có thể kiểm soát được.
Trí não trong trạng
thái bất ổn không có khả năng hoạt động tốt. Thiếu quyết đoán tạo ra trạng thái
bất ổn đó. Hầu hết mọi người đều thiếu sức mạnh ý chí đê có thể quyết định ngay
lập tức cũng như sẵn sàng bảo vệ quyết định của mình sau đó.
Chúng ta không lo lắng
về hoàn cảnh một khi đã đạt được quyết định và có phương án hành động dứt
khoát. Có lần tôi phỏng vấn một tử tù sắp lên ghế điện hai giờ sau đó. Ông ta
là người điềm tĩnh nhất trong số tám tử tội cùng xà-lim với mình. Sự bình tĩnh
của ông ta thúc giục tôi đặt câu hỏi rằng ông tả cám thấy thế nào khi sắp bước
sang thế giới bên kia chỉ trong chốc lát nữa thôi. Với một nụ cười đầy tự tin,
ông ta nói: “Tôi cảm thấy rất tốt đẹp. Hãy nghĩ xem, anh bạn, các rắc rối của
tôi sẽ sớm qua đi. Tôi chẳng có gì trên đời này ngoài toàn những chuyện rắc
rối. Việc tìm kiếm miếng cơm manh áo thật quá gian nan. Chẳng bao lâ nữa tôi sẽ
không còn cần những thứ ấy. Tôi cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết từ khi biết
mình chắc chắn phải chết. Tôi đã chuẩn bị tâm trạng để sẵn sàng chấp nhận số
phận của mình một cách thanh thản nhất”.
Ông ta vừa nói vừa ăn
ngấu nghiến bữa tối cuối cùng tương đương khẩu phần cho ba người. Ông ta ăn
từng miếng ngon lành như thể chẳng có tai họa nào sắp xảy đến. Đức tính kiên
quyết đã khiến người đàn ông này cam chịu số phận của mình. Quyết đoán cũng có
thể ngăn cản một người chấp nhận những hoàn cảnh không mong muốn.
Sáu nỗi sợ hãi cơ bản
này tạo ra trạng thái lo lắng thông qua sự thiếu quyết đoán.
- Hãy tự làm dịu đi mãi mãi nỗi sợ cái chết bằng cách quyết định chấp nhận cái chết như một biến cố không ai tránh được.
- Hãy loại bỏ nỗi sợ tuổi già bằng cách chấp nhận nó không phải như một điều bất lợi mà như niềm hạnh phúc lớn lao vì tuổi già mang đến sự khôn ngoan, tự chủ và uyên thâm mà những người trẻ tuổi không thể có được.
- Hãy làm chủ nỗi sợ bị mất tình yêu bằng quyết định sống thăng bằng.
- Hãy chặn đứng nỗi sợ bị chỉ trích bằng cách không lo lắng về những gì người khác nói hay nghĩ về mình.
- Hãy vượt qua nỗi sợ bệnh tật bằng cách quyết định quên đi mọi dấu hiệu của đau ốm.
- Hãy xua tan nỗi sợ nghèo đói bằng sự bằng lòng với bất cứ món của cải nào bạn có thể tích lũy được mà không phải lo lắng gì.
- Hãy tiêu diệt thói quen lo lắng dưới mọi hình thức bằng cách quyêt định rằng không điều gì xảy ra trong cuộc sống này là đáng để bạn phải lo lắng. Quyết định đó sẽ mang đến cho bạn sự cân bằng, tự tin, bình an trong tâm hồn và yên tĩnh trong tư tưởng. Đó là những yếu tố tạo nên hạnh phúc cho bạn.
Nếu tâm trí bạn đầy
rẫy những nỗi sợ hãi, bạn không chỉ phá hủy các cơ hội đưa ra những quyết định
khôn ngoan của cá nhân mình mà còn lan truyền các xung động hủy diệt ấy đến
những người mà bạn tiếp xúc, hủy hoại cả cơ hội của họ.
Ngay cả con chó hay
một con ngựa cũng nhận ra khi nào người chủ của chúng mất dũng khí. Chó và ngựa
bắt được những rung động sợ hãi do người chủ của chúng phát ra và chúng cũng
hành xử y như vậy.
Các xung động của sự
sợ hãi truyền từ người này sang người khác cũng nhanh và chắn chắn như âm thanh
của giọng nói con người truyền từ đài phát thanh tới một chiếc radio.
Người luôn nói về
những ý nghĩ tiêu cực và không mang tính xây dựng trên thực tế phải gánh chịu
hậu quả từ chính những lời nói đó dưới hình thức những “đòn đáp trả” tiêu cực
không kém. Thậm chí những xung lực tư tưởng không mang tính xây dựng – chỉ
riêng điều đó thôi chứ chưa cần tác động của lời nói – cũng đủ tạo ra những hệ
quả xấu theo nhiều cách khác nhau. Điều trước tiên, và có lẽ là quan trọng nhất
cần nhớ là, những ý nghĩ không mang tính xây dựng sẽ phá hủy khả năng tưởng tượng
sáng tạo. Thứ hai là, sự hiện diện trong tâm trí bạn bất kỳ cảm xúc tiêu cực
nào cũng làm phát sinh một tính cách tiêu cực, làm người khác khó chịu và
thường biến họ thành người đối kháng với bạn. Hậu quả thứ ba là những suy nghĩ
tiêu cực không chỉ ảnh hưởng tới người khác mà còn khắc sâu vào tiềm thức của
người suy nghĩ và dần dà trở thành một phần trong tính cách của anh ta.
Công việc của bạn
trong cuộc sống là mưu cầu sự thành đạt. Để thành đạt, bạn phải tìm thấy sự
bình an trong tâm hồn, có được những nhu cầu vật chất thiết yếu của cuộc sống,
và trên tất cả, bạn phải được hạnh phúc. Toàn bộ những dấu hiệu của thành công
nêu trên đều bắt nguồn dưới hình thức của những xung lực tư tưởng.
Bạn có thể kiểm soát
được tâm trí mình, bạn có quyền đưa vào tâm trí mình bất kỳ xung lực tư tưởng
nào bạn muốn. Trách nhiệm sử dụng tâm trí một cách xây dựng cũng đi đôi với đặc
quyền này. Bạn là người làm chủ số phận của mình. Điều đó cũng chắc chắn như
bạn có quyền kiểm soát tư tưởng của riêng mình. Bạn có thể gây ảnh hưởng, định
hướng và cuối cùng là kiểm soát môi trường tinh thần của riêng mình, làm cho
cuộc sống của bạn trở thành hình mẫu mà bạn mong muốn. Hoặc bạn cũng có thể
không để ý gì đến quyền được lựa chọn cuộc sống đề rồi tự buông mình vào bao la
“bể khổ”, nơi bạn bị vùi dập ba chìm bảy nổi như một mảnh gỗ nhỏ trên đầu những
con song đại dương.
Những ảnh hưởng tiêu
cực
Ngoài sáu nỗi sợ hãi
cơ bản trên, con người còn phải chịu đựng một tai họa khác nữa. Đó là một mảnh
đất phì nhiêu cho các hạt mầm thất bại sinh sôi nảy nở. Và sự hiện diện của nó
thường không dễ nhận ra. Nó ăn sâu và thường nguy hiểm hơn tất cả nỗi sợ hãi cơ
bản kia. Nếu bạn muốn gọi tai họa đó ra bằng một cái tên, chúng ta hãy tạm gọi
nó là Tính dễ nhiễm trước những tác động
tiêu cực.
Những người tự tạo lập
được một gia tài lớn luôn có ý thức bảo vệ chính mình chống lại những tác động
tiêu cực. Ngược lại, những người nghèo khó không bao giờ có khả năng đó. Những
người thành đạt ở bất kỳ lĩnh vực nào phải học cách tỉnh táo để sẵn sàng đối
phó với những tác động đó. Nếu bạn đọc cuốn sách này để tìm cách làm giàu, hãy
xét mình cẩn thận, xem bạn có phải là người dễ bị nhiễm những ảnh hưởng tiêu
cực hay không. Nếu bạn lơ là trong việc tự phân tích bản thân, bạn sẽ mất quyền
đạt được những mục tiêu mà bạn đang khao khát.
Hãy nghiên cứu kỹ bản
phân tích sau. Khi đọc hệ thống câu hỏi, bạn hãy trả lời một cách trung thực
nhất, Hãy làm điều đó một cách thận trọng như bạn đang tìm kiếm những kẻ thù
phục kích bạn trong bụi rậm và dũng cảm đương đầu với những khuyết điểm của bạn
như dường đầu với kẻ thù đích thực.
Bạn có thể dễ dàng bảo
vệ mình trước những kẻ thù trong cuộc sống bởi đã có phát luật, cảnh sát và tòa
án đối phó với chúng. Nhưng “tai họa thứ bảy” này rất khó chế ngự bởi nó tấn
công trong khi bạn không để ý đến sự hiện diện của nó, khi bạn ngủ và cả lúc
bạn thức. Thêm vào đó, vũ khí tấn công của nó là vô hình vì chỉ đơn thuần là
một trạng thái tinh thần. Những ảnh hưởng tiêu cực rất nguy hiểm vì nó tấn cong
con người bằng nhiều hình thức khác nhau. Đôi khi nó xâm nhập đầu óc bằng những
lời lẽ đầy thiện ý của bạn bè hay người thân. Ở những thời điểm khác, nó lại
đến từ bên trong qua trạng thái tinh thần riêng của một cá nhân. Nhưng nói
chung, những ảnh hưởng tiêu cực cũng như những chất độc chết người, mặc dù
không phải lúc nào cũng là một cái chết ngay tức khắc.
Làm thế nào để tự bảo
vệ mình trước những ảnh hưởng tiêu cực?
Để tự bảo vệ bản thân
trước những tác động tiêu cực, dù đó là do bạn tự tạo ra hay là ảnh hưởng từ
những người xung quanh, hãy nhớ rằng sức mạnh ý chí chính là tấm lá chắn. Bạn
phải sử dụng nó một cách thường xuyên liên tục cho tới khi ý chí dựng nên một
bức tường miễn dịch trước những ảnh hưởng tiêu cực trong tâm trí bạn.
Hãy nhận thức rằng
bạn, cũng như mọi người khác, về bản chất vốn lười biếng, lãnh đạm và dễ nhiễm
trước mọi cám dỗ có vẻ “tương thích” với các điểm yếu của mình.
Hãy nhận thức rằng về
bản chất bạn rất dễ nhiễm tất cả những nỗi sợ hãi cơ bản và bạn cần tạo cho
mình thói quen chống lại tất cả những nỗi sợ hãi đó.
Hãy nhận thức rằng các
thói hư tật xấu thường tác động đến bạn thông qua tiềm thức vì thế chúng rất
khó bị phát hiện. Thế nên, hãy “bế quan tỏa cảng” trước những người muốn làm
bạn ngã lòng hay mất can đảm bằng mọi cách.
Hãy dọn sạch tủ thuốc
của bạn và ngừng ngay việc nghĩ đến những cơn cảm cúm, đau nhức và các căn bệnh
tưởng tượng khác.
Hãy cố gắng kết bạn
với những người có thể giúp bạn suy nghĩ tích cực và hành động vì chính bản
thân mình.
Đừng trông chờ những
phiền muộn trắc trở vì chúng luôn có khuynh hướng làm bạn thất vọng.
Không còn nghi ngờ gì
nữa, điểm yếu phổ biến nhất của con người là thói quen mở rộng tâm hồn mình cho
những ảnh hưởng tiêu cực từ những người xung quanh. Điểm yếu này càng gây thiệt
hại nặng nề hơn vì hầu hết con người đều không nhận ra rằng họ đã bị ảnh hưởng
bởi những suy nghĩ tiêu cực đó.
Danh sách các câu hỏi
sau đây được soạn ra để giúp bạn nhìn nhận rõ ràng hơn con người thực của mình.
Hãy đọc qua hệ thống câu hỏi sau và dành trọn một ngày mà bạn có đủ thời gian
đọc lại kỹ càng các câu hỏi và trả lời chúng một cách trọn vẹn. Khi bạn làm
điều đó, tôi khuyên bạn nên đọc câu hỏi và trả lời thật lớn tiếng để bạn có thể
nghe giọng nói của chính mình. Điều này sẽ khiến bạn dễ dàng trung thực với
chính mình hơn.